Một nhóm kỹ sư hóa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tạo ra một loại vật liệu mới cứng hơn thép nhưng nhẹ như nhựa và có thể dễ dàng sản xuất với số lượng lớn.
Trong một tuyên bố vào tuần trước, MIT cho biết vật liệu mới là một loại polyme hai chiều có thể tự lắp ráp thành các tấm xếp chồng lên nhau. Điều này khác với tất cả các polyme khác vốn tạo thành từ các chuỗi một chiều giống như sợi mỳ Ý. Đây là một thành quả mang tính đột phá lớn bởi trước đó, các nhà khoa học tin rằng không thể tạo ra polyme ở dạng các tấm hai chiều.
Giáo sư Kỹ thuật Hóa học Carbon P Dubbs tại MIT và là tác giả chính của nghiên cứu, Michael Strano, cho biết một loại vật liệu như vậy có thể được sử dụng làm lớp phủ bền, nhẹ cho các bộ phận ô tô hoặc điện thoại di động, hoặc làm vật liệu xây dựng cầu hoặc các vật liệu cấu trúc khác.
“Chúng tôi thường không nghĩ nhựa là thứ mà chúng ta có thể sử dụng để hỗ trợ xây một tòa nhà, nhưng với vật liệu này, mọi thứ đều có thể xảy ra. Nó có những đặc tính rất khác thường và chúng tôi rất vui mừng về điều đó”, giáo sư Strano cho biết.
Được biết, các nhà nghiên cứu của MIT phát hiện ra rằng mô-đun đàn hồi của vật liệu mới mà họ phát triển - thước đo lường chịu lực cần thiết để làm biến dạng vật liệu - lớn hơn từ 4 đến 6 lần so với kính chống đạn. Họ cũng phát hiện ra rằng cần một lực gấp đôi để phá vỡ vật liệu này khi so với thép, mặc dù vật liệu này chỉ có mật độ khoảng 1/6 so với thép.
Các nhà nghiên cứu đã nộp hai bằng sáng chế cho quy trình tiên phong mà họ sử dụng để tạo ra vật liệu. Nghiên cứu được tài trợ bởi Center for Enhanced Nanofluidic Transport (CENT), một trung tâm nghiên cứu biên giới năng lượng được tài trợ bởi Văn phòng Khoa học của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ.